Trực thuộc tập đoàn Thiên Minh, công ty cổ phần Hàng không Hải Âu tự hào là đơn vị đi tiên phong tại Việt Nam khai thác kinh doanh loại hình thủy phi cơ. Sau gần 2 năm hoạt động, Hàng không Hải Âu đã đạt những thành tựu nhất định và thể hiện được bản lĩnh của người đi tiên phong khi phải đối mặt và có những bước đi chiến lược với không ít khó khăn trong lĩnh vực này.

Khai thác thủy phi cơ trong tầm nhìn chiến lược

Tập đoàn Thiên Minh (TMG) đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và từng bước vươn lên khẳng định vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ du lịch lữ hành và cư trú tại thị trường Châu Á.

Bên cạnh thương hiệu Buffalo Tours nổi bật trong lĩnh vực du lịch lữ hành; Chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria 4 sao, Khách sạn Emm 3 sao, v.v. trong lĩnh vực cư trú; cùng nhiều đội du thuyền cao cấp; thương hiệu Hàng không Hải Âu khai thác thủy phi cơ được ra đời nằm trong chiến lược chung và đồng nhất của tập đoàn nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và đẳng cấp.

Hàng không Hải Âu
Du khách tận hưởng chuyến đi với thuỷ phi cơ

Vào tháng 9/2014, Hàng không Hải Âu chính thức ra mắt thị trường và đưa ba (03) chiếc máy bay thủy phi cơ đầu tiên vào khai thác tại thị trường Việt Nam. Trên thế giới, dịch vụ thủy phi cơ nói riêng và ngành “hàng không chung” (General aviation) là loại hình đã có mặt từ rất lâu trên thế giới, nổi tiếng và được du khách khắp nơi đón nhận – với hơn 90% trên tổng số khoảng 370.000 chiếc máy bay trên toàn thế giới vận hành trong lĩnh vực hàng không chung so với hàng không công cộng (Airline).

Tại Việt Nam, các hãng vận hành hàng không công cộng có thể kể đến là Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar. Điểm khác biệt giữa hàng không chung và hàng không công cộng là khi khách hàng muốn đi đâu, đi vào thời điểm nào là hoàn toàn do khách hàng quyết định dựa trên nhu cầu, thay vì phải đi mua vé máy bay và đi theo lịch trình định sẵn của hãng hàng không. Vậy nên, hàng không chung là ngành hàng không mang lại rất nhiều tiện lợi cho kháchhàng.

Có thể ví hàng không chung như xe taxi và hàng không vận tải công cộng như xe buýt. Do đó, việc đưa thủy phi cơ vào khai thác tại Việt Nam trong lĩnh vực du lịch là xu hướng tất yếu nhằm khai thác được tối đa hơn tiềm năng du lịch nước nhà. Và Hàng không Hải Âu đã và đang đóng vai trò tiên phong mang tính bứt phá thị trường hàng không trong thời điểm hiện tại.

Hàng không Hải Âu
Một trong ba chiếc thuỷ phi cơ của Hàng không Hải Âu

Trải qua 2 năm hoạt động, khai thác chuyên tuyến Hà Nội – Hạ Long, bay ngắm cảnh tại Vịnh Hạ Long, và tập trung hướng tới đối tượng khách hàng là du khách nước ngoài đến Việt Nam, thương hiệu Hải Âu cùng thủy phi cơ đã tạo dựng được chỗ đứng và hình ảnh nhất định trên thị trường.

Hàng không Hải Âu
Du khách nước ngoài rất ưa thích dịch vụ bay ngắm cảnh từ thủy phi cơ

Đối mặt với khó khăn một cách bản lĩnh

Những khó khăn và vướng mắc trong hoạt động, vận hành là không thể tránh khỏi, đặc biệt là đối với loại hình dịch vụ mới, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam như thủy phi cơ.

Các hành lang pháp lý chung và chuẩn chưa sẵn sàng dẫn đến việc lúng túng trong xử lý xét duyệt và cấp phép cho hàng không Hải Âu từ địa phương, cho đến các Sở ban ngành, cục Hàng Không, và Bộ Tổng tham mưu. Do đó, việc mở rộng hoạt động trên các tuyến mới và làm đa dạng hóa sản phẩm hơn nữa cho khách hàng vẫn đang trong quá trình nỗ lực hết sức từ tất cả các bên.

Hàng không Hải Âu
Hãng Hàng không Hải Âu đã sẵn sàng đương đầu với những thử thách sắp tới

Ngoài ra, như đã nêu, dịch vụ thủy phi cơ hoạt động trong lĩnh vực hàng không chung, thay vì hàng không công cộng như các hình thức dịch vụ về hàng không vốn có tại Việt Nam. Thông lệ quốc tế và ICAO (tổ chức hàng không dân dụng thế giới), vùng trời được quy hoạch thành 2 vùng: không phận có kiểm soát và không phận không có kiểm soát.

Trong đó, không phận không có kiểm soát là vùng hoạt động chính của hàng không chung và khi thực hiện bay thì hàng không chung chỉ cần thông báo, thay vì phải xin phép bay như đối với khu vực không phận có kiểm soát.

Hiện nay, tại Việt Nam việc phân loại vùng trời cơ bản là chưa có, và thủy phi cơ cần phải xin phép bay, không thể bay theo lịch trình chủ động đáp ứng nhu cầu  khách hàng như thế mạnh đáng ra phải có để phát triển của hàng không chung. Do đó, công suất bay chưa được khai thác triệt để, xứng với tiềm năng.

Chính những khó khăn này đã dẫn tới việc hoạt động chưa hiệu quả của Hàng không Hải Âu trong thời gian qua. Thực tế, đây là những khó khăn lường trước đối với Hàng không Hải Âu ngay từ buổi đầu và đến thời điểm hiện tại,  những khó khăn này đang dần dần từng bước được tháo gỡ nhờ sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo ra các khung hành lang pháp lý chuẩn tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.

Khi các khó khăn này được tháo gỡ, không chỉ là công suất bay, chi phí bay mà còn là khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, hứa hẹn việc mở rộng kinh doanh hơn nữa của Hàng không Hải Âu – thay vì dừng lại ở con số ba (03) máy bay như hiện tại.

Hơn nữa, việc tháo gỡ các khó khăn này chính là góp phần mở đường cho các doanh nghiệp trong tương lai đang có ý định bước chân kinh doanh trong lĩnh vực hàng không chung.


Kế hoạch phát triển bền vững

Trong thời gian tới, tập đoàn Thiên Minh (TMG) và Hàng không Hải Âu khẳng định niềm tin và các bước đi chiến lược để tiếp tục phát triển loại hình dịch vụ thủy phi cơ trong tầm nhìn dài hạn.

Trước mắt, Hạ Long vẫn là điểm đến, là tuyến khai thác chiến lược của Hàng không Hải Âu do những tiềm năng phát triển và sức hút không thể chối bỏ của kỳ quan thế giới này. Ngoài việc tập trung phát triển tập khách hàng truyền thống và là nguồn thu chính của hãng – du khách đến tham quan Việt Nam, Hàng không Hải Âu đang có những bước chuyển mình vạch ra các chiến lược để mở rộng tập khách hàng – bao gồm du khách trong khu vực và tại thị trường Việt Nam.

Khung cảnh Vịnh Hạ Long nhìn từ thủy phi cơ ( tháng 5/2016 )
Khung cảnh Vịnh Hạ Long nhìn từ thủy phi cơ ( tháng 5/2020 )

Một trong các chiến lược chính là việc đa dạng hóa sản phẩm. Đa dạng trước tiên là về tuyến bay trước mắt là hoạt động tại khu vực Ninh Bình – là địa điểm mới được cấp giấy phép. Tiếp đó là đa dạng về các gói sản phẩm kết hợp nhiều trải nghiệm mới phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Ví dụ như các gói trải nghiệm dài ngày kết hợp cùng du thuyền, chuỗi khách sạn của Tập đoàn, cung cấp không chỉ trải nghiệm ngắm cảnh, mà còn là nghỉ dưỡng và khám phá; hay các gói sản phẩm chụp hình cưới, hình kỷ niệm – do tính chất độc đáo của sản phẩm hứa hẹn sẽ thu hút sự chú ý của du khách.

Đây cũng là chiến lược lâu dài của tập đoàn TMG – khi kết hợp các tài sản của tập đoàn để mang lại cho khách hàng những chuyến đi, trải nghiệm độc đáo, thú vị, và để lại dấu ấn khó phai trên mỗi hành trình.

Chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" đã có buổi ghi hình cùng thủy phi cơ của Hàng không Hải Âu (07/06/2016)
Chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế” đã có buổi ghi hình cùng thủy phi cơ của Hàng không Hải Âu (07/06/2016)